• Giờ làm việc: T2-T6 08:00 - 18:00
  • Email: kientrucmovic@gmail.com
  • Điện thoại: 0972712688

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh  vấn đề “Bóng đè”. Có vẻ như chính sự tràn lan và lẫn lộn của thông tin rác đã khiến chúng ta thêm lo lắng về hiện tượng này. Để đáp lại sự mong ngóng và tin tưởng của các bạn, chúng tôi sẽ “Giải thích hiện tượng bóng đè” một cách thật chuyên sâu và cặn kẽ, thông qua chia sẻ ngày hôm nay…

Về mặt lý thuyết, chúng ta đều có thể hiểu cảm giác mà một người bị bóng đè phải trải qua. Nó có thể chỉ đơn giản là một cái tặc lưỡi với người này, nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh không nguôi với những người yếu bóng vía. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc: “Bóng đè là gì?” hay chưa?

Bóng đè là gì?

Theo kiến thức khoa học hiện đại, hiện tượng “Bóng đè” được các chuyên gia gọi là “chứng liệt thân khi ngủ” (hay sleep paralysic). Hiện tượng này sẽ chỉ xảy ra trong giai đoạn chuyển giao giữa thức – ngủ. Chính vì thế, nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy toàn thân mình trĩu nặng trên giường, ngực bị đè đến tức tối nhưng không thể cử động ngay cả khi bạn hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được mọi thứ xung quanh. Thì xin chúc mừng, bạn đã được trải nghiệm hiện tượng bóng đè thành công!

Tôi chắc rằng khi chưa nghe đến “chứng liệt thân khi ngủ” này, bạn sẽ sợ hãi, thậm chí là hoảng loạn khi bị bóng đè. Cũng thật dễ hiểu, bởi lẽ từ xưa đến nay, hiện tượng bóng đè khi ngủ thường được gắn liền với các mẩu chuyện âm dương, các thế lực siêu hình hay thậm chí là một mối duyên âm nào đó….

Nguyên nhân bị bóng đè

Mọi sự việc xảy đến với bạn đều bắt nguồn từ một hay nhiều nguyên nhân. Và tất nhiên, “bóng đè” không nằm ở khu vực ngoại lệ. Qua quá trình tìm hiểu kiến thức khoa học từ những nguồn tin cậy, chúng tôi đã tổng hợp được một vài nguyên nhân bị bóng đè như sau:

Chấn thương tâm lý

Theo tiến sĩ Clete Kushida đến từ Trung tâm y tế Sleep Standford (Hoa Kỳ), hiện tượng bóng đè có thể là biểu hiện sơ khai của một số chứng tâm thần. Thống kê thực tế cho thấy, những người từng trải qua quá khứ ám ảnh, bị trầm cảm, hay luôn tồn tại trong đầu những suy nghĩ tiêu cực,… có khả năng gặp “bóng đè” nhiều hơn hẳn so với những người bình thường khác. Tuy nhiên, để khẳng định, thì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan (ví dụ như tần suất xuất hiện, thời gian xuất hiện, ảo giác,….)

Để hạn chế được nguyên nhân này, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân một lối sống tích cực và lành mạnh:
– Lựa chọn công việc phù hợp: thách thức vừa phải, không áp lực, stress,…
– Dinh dưỡng khoa học, hạn chế rượu bia và các chất kích thích,…

Rối loạn giấc ngủ

Nếu như các bạn còn nhớ, thì chúng tôi đã nhắc đến giai đoạn xảy ra hiện tượng bóng đè trong mục “Bóng đè là gì?”. Chi tiết hơn, bạn sẽ bị bóng đè khi giai đoạn ngủ mơ (hay còn gọi là giai đoạn giấc ngủ REM) xảy ra ngay cả khi bạn còn thức.

Đây là giai đoạn cử động mắt nhanh, khiến não bộ hoạt động một cách vô cùng tích cực, và từ đó các giấc mơ được ra đời. Việc chúng ta chẳng thể cử động trong lúc này chỉ đơn giản là một cơ chế bảo vệ, chúng chính là một tấm khiên vững trãi giúp bạn tránh khỏi những tổn thương không cần thiết.

Cho đến nay thì chưa có một nghiên cứu chính thức nào có thể lý giải: “Vì sao giai đoạn ngủ mơ lại xuất hiện ngay cả khi ta còn thức?”. Tuy nhiên, chúng tôi tổng hợp được một vài nguyên nhân liên quan như sau:
– Bạn bị mắc chứng ngủ rũ: là một chứng rối loạn thần kinh liên quan đến giấc ngủ và sự tỉnh táo.
– Bạn đi ngủ quá muộn, thời gian nghỉ ngơi bị rối loạn, phản khoa học.
– Bạn bị thiếu ngủ,…
– Bạn đang bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc điều trị
– Bạn bị rối loạn lưỡng cực.

Biểu hiện của người bị bóng đè

Bóng đè là gì? Là cảm giác bất lực khi không thể cử động ngay cả khi bản thân còn thức?”

Nhận định trên hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Qua tìm hiểu cụ thể về những trường hợp thực tế, chúng ta có thể khẳng định lại rằng: “Người bị bóng đè sẽ phải trải qua sự ức chế cả về cảm giác và ảo giác”.

Để có thể hiểu cặn kẽ được hiện tượng này, chúng ta sẽ cùng đi chi tiết vào những nội dung dưới đây:

Cảm giác

Chưa có trường hợp bóng đè nào kéo dài tới một tiếng. Thời gian thực tế được ghi nhận cho đến nay chỉ rơi vào khoảng vài giây cho đến vài phút. Song, hiện tượng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần chỉ trong một đêm. Nhất là khi chúng ta cảm thấy lo lắng, bất an hay mệt mỏi thì nguy cơ xảy ra hiện tượng càng cao hơn. Chính vì thế, ngay cả sau khi đã thoát khỏi bóng đè, con người ta sẽ vẫn mang trong mình tâm trạng hoang mang, sợ hãi. Từ đó giấc ngủ trở nên chập chờn, không sâu,…

Dưới đây là một vài biểu hiện và cảm giác thường thấy của những người đang bị bóng đè. Nếu một ngày nào đó, bạn nằm bên cạnh người có một trong những biểu hiện này, hãy ngay lập tức đánh thức họ dậy. Chắc chắn họ sẽ biết ơn bạn rất nhiều…

  1. Khuôn mặt cảm giác co cứng, căng thẳng, không thoải mái.
  2. Đổ mồ hôi.
  3. Tức ngực, đau mỏi toàn thân và không thể cử động.
  4. Hít thở khó khăn, không thể hít thở sâu.
  5. Sợ hãi.
  6. Không thể mở mắt trong một vài trường hợp.

Ảo giác

Nếu chỉ đơn thuần là những ức chế về cảm giác, thì có lẽ Bóng đè đã không đáng sợ đến như thế, và người ta cũng sẽ không liên tưởng đến những hiện tượng tâm linh quái dị.

Hiện tượng bóng đè khi ngủ gây nên nỗi ám ảnh lớn, nguyên nhân chính là do sự xuất hiện của những ảo giác chân thực đến đáng sợ. Những ảo giác này được chia thành 3 nhóm chính như sau:

  • Ảo giác về thực thể: Lúc này, bạn sẽ có cảm giác bị một bóng đen đè ghì trên ngực hoặc bụng. Khiến cho cơ thể cứng đờ, không thể giãy giụa hay nhúc nhích.
  • Ảo giác về sự xuất hiện: Dù có đang mở mắt hay không thì bạn cũng sẽ có cảm nhận chân thực về một người (hoặc thậm chí là một bóng ma) đi luẩn quẩn xung quanh bạn, ngồi xuống cạnh bạn,…
  • Ảo giác về vận động: Loại ảo giác này rất hiếm gặp. Người trải qua nó sẽ có cảm giác được di chuyển một cách lơ lửng như những bóng ma.

Bạn cần phải làm gì để hết bị bóng đè?

Làm sao để hết bị bóng đè?” mới thực sự là mấu chốt của mọi sự tìm hiểu. Thông thường, người ta sẽ cúng bái, đi xem bói và cả dâng sao giải hạn,… Nhưng ở chia sẻ này, chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện theo những phương pháp khoa học hơn…

Phương pháp thoát khỏi trạng thái bị bóng đè

Bạn sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi khi bị bóng đè. Và khi phải trải qua hiện tượng bóng đè quá nhiều lần, với một tần suất xuất hiện liên tiếp, tôi chắc rằng bạn sẽ chắc thể làm gì khác ngoài suy nghĩ “Bị bóng đè thì làm thế nào?” mỗi khi đặt lưng lên trên giường ngủ. Đừng vội lo lắng, chúng tôi ở đây là để giúp bạn:

  1. Đừng quá sức để vùng vẫy mà hãy giữ nguyên tư thế
    – Mọi sự cố gắng vùng vẫy trong lúc này đều vô nghĩa. Nó thậm chí còn có thể khiến cho cơ thể bạn cảm thấy bị đè nén và ngạt nhiều hơn.
    – Việc bạn cần làm duy nhất trong lúc này là thả lỏng…
  2. Tập trung, hít thở sâu và đều.
    Nếu bạn có đôi chút quan tâm và hiểu biết về Yoga, bạn sẽ hiểu sứ mệnh của hơi thở không chỉ dừng lại là duy trì sự sống. Thở đúng cách còn giúp chúng ta sảng khoái, tập trung và thư giãn. Vậy nên, hãy thử hít thở sâu và đều khi bị bóng đè, và bạn sẽ thấy khá hơn.
  3. Hãy thử nói chuyện bằng tâm trí
    Bạn không thể hét thật to để tìm sự trợ giúp? OK. Vậy hãy thử nhắn nhủ đôi lời để khích lệ và tạo động lực cho chính bản thân mình qua tâm trí. Ví dụ như “Cố lên nào”, “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, “ Bóng đè chẳng có gì là đáng sợ”,…
  4. Chuyển động nhẹ
    Khi đã cảm thấy bình tĩnh và dễ chịu hơn, hãy thử chuyển động nhẹ nhàng. Bạn cần tin rằng, những cử động nhỏ ở các ngón tay, ngón chân, mí mắt vào lúc này đã trở lên dễ chịu rất nhiều rồi đấy.

Phương pháp điều trị khi bị bóng đè

Đầu tiên, chúng tôi muốn khẳng định lại rằng “Bóng đè không phải là bệnh”, chính vì thế, bạn không cần tỏ ra lo lắng khi gặp phải hiện tượng này. Tuy nhiên, nếu chúng xảy ra quá thường xuyên và gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn thì hãy đến gặp bác sĩ ngay nhé. Một vài liệu pháp an thần sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều..

Lưu ý rằng trước khi đến gặp bác sĩ, bạn cần chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi để cuộc nói chuyện được diễn ra suôn sẻ và đem lại kết quả cao hơn. Chúng tôi có một vài câu hỏi gợi ý dành cho bạn:

  • “Tôi cảm thấy mệt mỏi và không thể ngủ sâu. Giấc ngủ hiện tại của tôi diễn ra rất chập chờn”.
  • “Tôi nghĩ là mình đang cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước mỗi giờ đi ngủ”.
  • Ngoài ra, hãy kể cho bác sĩ nghe về sự rối loạn giấc ngủ, hay những gì bạn cảm thấy khi gặp hiện tượng này…

Phòng ngừa hiện tượng bóng đè

Hiện tượng bóng đè khi ngủ không phải bệnh truyền nhiễm. Chính vì thế, nó không có khả năng lây lan cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Mặt khác, tuy nói đây là một hiện tượng bộc phát, nhưng chỉ cần bạn có lối sống lành mạnh và hợp lý cũng sẽ giảm thiểu được khả năng phải đối mặt với hiện tượng này.

  • Ngủ đủ giấc. Từ 7 – 8 tiếng/ ngày.
  • Mặc đồ thoải mái. Giữ gìn không gian phòng ngủ sạch sẽ, thoáng đãng.
  • Không sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ quá thấp. Nhiệt độ lý tưởng là 26-28 độ C.
  • Ngủ trưa khoảng 15 phút mỗi ngày để tinh thần được ổn định, tăng khả năng tập trung và cả hiệu suất công việc.
  • Nằm ngủ với tư thế thoải mái. Không đè nén bất kỳ vật gì lên ngực. Không nằm sấp.

Hiện tượng bóng đè không gây bất kỳ nguy hiểm gì cho người trải qua nó. Nhưng sẽ mang lại sự ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe con người. Chúng tôi tin rằng khi bạn hiểu rõ “Bóng đè là gì?”, bạn sẽ không còn cảm thấy sợ hãi khi đối mặt với nó nữa. Mong rằng những chia sẻ hôm nay là có ích. Hẹn gặp lại!